- Lúc: 20:17
TPM cơ bản (Basic TPM) là gì?TPM cơ bản là giai đoạn đầu tiên trong chương trình tự bảo dưỡng và cũng là nền tảng của tất cả các hoạt động trong TPM.
Các hoạt động TPM cơ bản tập trung chủ yếu vào việc thiết lập, thực hiện, duy trì và cải tiến các tiêu chuẩn vệ sinh, tra dầu, siết ốc cho thiết bị nhằm khôi phục các bộ phận xuống cấp, hư hỏng trong thiết bị.
Nâng cao nhận thức và hiểu biết của người vận hành nhằm đạt được sự tự giác trong quản lý thiết bị (hay còn gọi là tự bảo dưỡng)
Hai mục tiêu của TPM cơ bản:
- Thiết lập các điều kiện cơ bản của thiết bị thông qua các hoạt động vệ sinh, kiểm tra và tra dầu (nhằm phát hiện và khôi phục các bộ phận bị hư hỏng, xuống cấp của thiết bị; kiểm soát và ngăn ngừa các yếu tố làm tăng nhanh sự xuống cấp, hỏng hóc thiết bị như bẩn do dầu nhớt, các mảnh vỡ sản phẩm, các nguồn bụi bẩn).
- Tạo ra nơi làm việc ngăn nắp, an toàn, thuận tiện giúp phát hiện các bất thường liên quan tới thiết bị ngay khi xuất hiện;
- Duy trì các điều kiện cơ bản cho thiết bị qua các tiêu chuẩn vệ sinh và tra dầu.
- Triển khai các hoạt động TPM cơ bản giúp tất cả những người liên quan hiểu biết cách thức thực hiện quản lý máy móc thiết bị theo chu trình PDCA (Lập kế hoạch-Thực hiện-Kiểm tra-Khắc phục). Người vận hành biết tự lập ra các tiêu chuẩn và thực hiện, duy trì và cải tiến chúng. Đó là kết quả của việc tự giám sát bảo dưỡng;
- Thực hành TPM cơ bản cũng giúp người vận hành có khả năng nhận biết chính xác tình trạng bất thường trong quá trình làm việc; quen với việc tuân thủ nghiêm túc theo các quy định, tiêu chuẩn; có khả năng thực hiện các hành động khắc phục và khôi phục bất thường nhanh chóng khi nó xảy ra; khả năng thiết lập và duy trì các điều kiện tối ưu cho thiết bị giúp cho quá trình thực hiện công việc thuận tiện, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc.
Bước 1 - Chuẩn bị
- Thành lập nhóm TPM;
- Chuẩn bị các điều kiện an toàn cho người và thiết bị, các công cụ, dụng cụ để thực hiện các hoạt động TPM cơ bản;
- Tổ chức giới thiệu, hướng dẫn, đào tạo về TPM cơ bản cho những người liên quan.
Bước 2 - Vệ sinh
- Vệ sinh triệt để tổng thể thiết bị và các khu vực xung quanh thiết bị. Loại bỏ bất kỳ chất bẩn và các vật liệu không cần thiết ảnh hưởng tiêu cực tới thiết bị và chất lượng sản phẩm;
- Nhận biết các tác động xấu của các chất bẩn tới sự an toàn, chất lượng sản phẩm và thiết bị;
- Tìm kiếm và khắc phục các sai lỗi, khiếm khuyết và hư hỏng trong thiết bị;
- Liệt kê các nguồn bẩn và các khu vực khó vệ sinh.
Bước 3 - Xử lý nguồn bẩn và khu vực khó vệ sinh
- Xem xét các nguồn bẩn và các vị trí khó vệ sinh được liệt kê trong bước 1 theo các yếu tố ảnh hưởng tới an toàn, chất lượng và thiết bị;
- Lập các tiêu chuẩn vệ sinh tạm thời;
- Thực hiện các hành động khắc phục giúp hoàn thành việc vệ sinh trong thời gian đặt ra;
- Đào tạo về an toàn và chất lượng, các nguyên lý làm việc của thiết bị thông qua thực hiện các biện pháp khắc phục đối với các nguồn bẩn;
- Thay đổi, cải tiến các khu vực khó vệ sinh nhằm giảm thời gian vệ sinh theo mục tiêu thời gian đặt ra.
Bước 4 - Lập tiêu chuẩn vệ sinh, tra dầu
- Đào tạo tra dầu và quản lý dầu mỡ cho người vận hành;
- Kiểm tra, xác định tất cả các điểm và bề mặt tra dầu trên thiết bị;
- Lập tiêu chuẩn tra dầu tạm thời cho thiết bị;
- Tìm và khắc phục các bộ phận xuống cấp, hư hỏng trong thiết bị liên quan tới việc tra dầu mỡ không đúng;
- Khắc phục các khu vực khó tra dầu nhằm rút ngắn thời gian tra dầu theo mục tiêu đặt ra;
- Kết hợp các tiêu chuẩn vệ sinh tạm thời trong bước 2 và tiêu chuẩn tra dầu tạm thời được lập trong bước 3 thành các tiêu chuẩn vệ sinh và tra dầu tạm thời;
- Thực hiện và duy trì vệ sinh, tra dầu toàn bộ thiết bị theo các tiêu chuẩn vệ sinh và tra dầu;
- Cải tiến phương pháp làm việc nhằm rút ngắn thời gian vệ sinh/tra dầu.
- Xem xét sửa đổi tiêu chuẩn vệ sinh/tra dầu theo sau khi thực hiện các hành động khắc phục cần thiết.
0 nhận xét