- Lúc: 10:00
Các khái niệm liên quan chiến lược
Chiến lược
Từ những năm 60 của thế kỷ XX, chiến lược được ứng dụng vào lĩnh vực kinh doanh và thuật ngữ chiến lược kinh doanh ra đời. Trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, thực tế, thuật ngữ chiến lược hay chiến lược kinh doanh thường được sử dụng tương đương với nhau.
Từ khi được áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh đến nay, nhiều tác giả đã đưa ra các cách hiểu khác nhau về chiến lược. Có tác giả cho rằng chiến lược kinh doanh là một bản phác thảo tương lai bao gồm các mục tiêu kinh doanh mà doanh nghiệp phải đạt được cũng như các phương tiện cần thiết để đạt được các mục tiêu đó hay chiến lược kinh doanh là tập hợp các quyết định và hành động quản trị quyết định sự thành công lâu dài của doanh nghiệp. Theo Alfred Chandler (Đại học Harvard): “Chiến lược là tiến trình xác định những mục tiêu cơ bản, dài hạn của doanh nghiệp, lựa chọn cách thức hoặc phương hướng hành động và phân bổ các nguồn lực cần thiết để đạt được các mục tiêu đó”, theo Jean-Pierre Détrie: “Xây dựng chiến lược của doanh nghiệp là xác định lĩnh vực hoạt động mà doanh nghiệp tham gia và phân bổ các nguồn lực để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong lĩnh vực kinh doanh đó”. Theo Michael Porter (Đại học Harvard), một học giả nổi tiếng về chiến lược cạnh tranh “Chiến lược để đương đầu với cạnh tranh là sự kết hợp giữa mục tiêu cần đạt đến và các phương tiện mà doanh nghiệp cần tìm để thực hiện được các mục tiêu đó”.
Dù có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng một cách khái quát chiến lược là chương trình hành động, hướng hoạt động của doanh nghiệp đến các mục tiêu đã xác định. Chiến lược chính là những giải pháp định hướng giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu dài hạn. Chiến lược của một doanh nghiệp bao gồm mục tiêu, những đảm bảo về nguồn lực để đạt được mục tiêu và những cách thức chủ yếu cần được tuân theo khi sử dụng những nguồn lực này.
Tầm nhìn, nhiệm vụ, mục tiêu
Để hiểu sâu hơn về khái niệm chiến lược, chúng ta sẽ xem xét một số khái niệm liên quan. Trước hết là tầm nhìn (vision), nó phản ánh hình ảnh của doanh nghiệp trong tương lai, hướng mọi người trong doanh nghiệp đến một điểm chung. Mỗi doanh nghiệp có thể hoạt động dựa trên những kinh nghiệm và thành công trong quá khứ. Tuy nhiên xét về mặt dài hạn, tầm nhìn là không thể thiếu được. Nó là cơ sở để các doanh nghiệp duy trì hoạt động và liên kết mọi người trong doanh nghiệp với nhau vì giá trị chung, mục tiêu chung.
0 nhận xét