- Lúc: 10:00
Có hai phương thức cơ bản để tiết kiệm chi phí đó là: Khai thác hiệu ứng kinh nghiệm và các phương thức tiết kiệm chi phí ngoài hiệu ứng kinh nghiệm. Trước khi đi vào tìm hiểu các phương thức cụ thểchúng ta cùng tìm hiểu về hiệu ứng kinh nghiệm.
Khi quan sát ngành sản xuất máy bay, người ta đã phát hiện ra rằng mỗi lần số lượng máy bay sản xuất ra được tích lũy lại lớn gấp đôi thì chi phí đơn vị giảm xuống còn 80% của mức ban đầu. Như vậy chiếc máy bay thứ 4 chi phí chỉ bằng 80% chi phí sản xuất của chiếc thứ 2, cứ như vậy chiếc thứ 8 chi phí chỉ bằng 80% của chiếc thứ 4, v.v. Vẽ đồ thị biểu diễn mối quan hệ giữa chi phí chế tạo một đơn vị sản phẩm và sản lượng tích lũy, người ta thu được một đường cong. Và đường cong này gọi là đường congkinh nghiệm (experience curve). Các điểm nằm trên đường cong này chỉ ra rằng chi phí để tạo ra một đơn vị sản phẩm giảm một lượng nào đó mỗi sản lượng tích lũy lớn gấp đôi.
Hiệu ứng kinh nghiệm là hiệu ứng có được khi sản lượng tích lũy của doanh nghiệp đạt tới điểm nằm trên đường cong kinh nghiệm. Điểm B trên hình vẽ là điểm doanh nghiệp đạt được hiệu ứng đường cong kinh nghiệm khi chi phí trên một đơnvị thấp hơn tại điểm A do sản lượng tích lũy tăng gấp đôi. Câu hỏi đặt ra là dựa trên cơ sở nào mà doanh nghiệp lại đạt tới được điểm trên đường cong kinh nghiệm, hay nói cách khác, tại sao khi tăng số lượng sản phẩm tích lũy, chi phí của doanh nghiệp lại có thể giảm được. Cơ sở cho việc hình thành đường cong kinh nghiệm chính là lợi thế kinh tế theo quy mô và hiệu ứng học hỏi.
Lợi thế kinh tế theo quy mô là chi phí của một đơn vị sản phẩm hay dịch vụ sản xuất ra giảm đi khi quy mô sản lượng tăng lên. Nguồn gốc củalợi thế kinh tế theo quy mô là khả năng dàn trải chi phí cố định cho một khối lượng sản phẩm được sản xuất ra lớn hơn. Chi phí cố định bao gồm chi phí máy móc, thiết bị, nhà xưởng, chi phí cho nghiên cứu và phát triển, quảng cáo. Nhiều doanh nghiệp khai thác được lợi thế kinh tế theo quy mô đã giảm được chi phí sản xuất sản phẩm. Nhưng những tiết kiệm này cũng không thể kéo dài mãi được. Thực tế, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng sau khi quy mô hiệu quả tối thiểu của đầu ra đã đạt được thì phần chi phí tiết kiệm được nhờ lợi thế về quy mô tăng thêm là rất nhỏ. Quy mô hiệu quả tối thiểu là quy mô tối thiểu cần thiết mà nhà máy cần có để đạt được lợi thế kinh tế ở mức cao nhất. Với mức sản lượng lớn hơn mức quy mô hiệu quả tối thiểu thì việc giảm thêm chi phí là điều khó đạt được. Lúc này ngoài tiết kiệm nhờ vào quy mô, công ty còn có thể nhờ vào hiệu ứng học hỏi.
Hiệu ứng học hỏi là việc giảm chi phí nhờ vào học hỏi và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thông qua công việc. Như vậy, nhờ việc thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần một công việc theo thời gian, người lao động sẽ học được cách làm thế nào để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Nói cách khác, năng suất lao động tăng và chi phí cho một đơn vị sản phẩm giảm khi các cá nhân học được cách để thực hiện một công việc cụ thể có hiệu quả nhất. Tương tự như vậy, nhà quản lý cũng học được cách làm thế nào để điều hành tốt nhất các hoạt động của công ty. Do đó các chi phí sản xuất sẽ giảm xuống khi có sự tăng lên về năng suất lao động và hiệu quả quản lý. Song cũng giống như lợi thế kinh tế theo quy mô, ảnh hưởng của học hỏi chỉ quan trọng trong giai đoạn đầu của một quá trình mới và dừng lại sau 2-3 năm. Nếu như lợi thế kinh tế theo quy mô chi xét tới việc giảm chi phí với một số lượng sản phẩm tăng lên nhất định tại một thời điểm mà không xét tới tính lịch sử của tiến trình tăng số lượng sản phẩm sản xuất, còn hiệu ứng học hỏi thì lại tập trung tới nghiệp tố thời gian. Để chỉ ra được việc giảm chi phí vừa là cả một quá trình học hỏi, vừa là việc tích lũy về mặt số lượng, người ta đưa ra khái niệm đường cong kinh nghiệm như đã đề cập ở trên.
Đọc thêm tại:
0 nhận xét