Mỗi nhà đầu tư, từ ngày bắt đầu bước chân vào thị trường cho đến khi tìm ra được cho mình con đường đi đúng; hoặc như phần lớn không may phải chấp nhận ngậm ngùirời bỏ cuộc chơi với bao thất vọng cay đắng, sẽ trải qua hành trình gồm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 : WHAT

Đó là những ngày tháng mộng mơ …
Nhà đầu tư bước chân vào thị trường với sự háo hức của bao giấc mộng đẹp.
Được khích lệ bởi tấm gương của những huyền thoại như Warrent Buffett, G.Soros, W.ONeil... hay gần hơn là những người thân như bà con và nhất là bạn bè. Một vài người hiếm hoi hơn là do sự thành công ngẫu nhiên ban đầu của bản thân (gà mới thường hay son mà)… thế là chúng ta mơ về một tương lai rực rỡ với những đồng tiền dễ kiếm, những giấc mơ làm giàu nhanh, những thành tựu chóng vánh.

Thế rồi lại được vây bọc chung quanh bởi những lời khích lệ của vô số các “chuyên gia” và người quen, chúng ta hăm hở lao vào cuộc đua kiếm tiền với duy nhất câu hỏi thường trực trong đầu – What. Tiếng Việt thường dịch nôm na ra là:” Trồng cây gì? Nuôi con gì?”

Trong số những câu hỏi mà người quen dành cho tôi thì khoảng 90% chủ đề sẽ xoay quanh hai câu hỏi: "Mai tăng hay giảm?" và "Mua con gì?". Chỉ thế thôi.

Điều đáng buồn là đa số các nhà đầu tư tay ngang này thường nhảy vào thị trường sau một giai đoạn tăng trưởng nóng và các bài viết về những “gương thành công” bắt đầu xuất hiện nhan nhản trên mặt báo. Đây thường là giai đoạn đầu cơ điên cuồng của thị trường, khi mà ngay cả những tay nghiệp dư nhất cũng kiếm lời dễ dàng. Nhưng bao giờ cũng vậy, ẩn sau nó là rủi ro trả giá cực lớn. Chẳng ai biết lúc nào bữa tiệc sẽ kết thúc. Trong giai đoạn này, thành công ban đầu của nhà đầu tư càng lớn, cái giá phải trả về sau lại càng khốc liệt. Không có gì lạ nếu như về sau này những nhà đầu tư tay ngang này thường là những người phải trả giá lớn nhất.

Trong giai đoạn 1 này, chúng ta như những đứa trẻ ham chơi nhưng hoàn toàn ngơ ngác với thế giới lạ lẫm bên ngoài. Phương châm đầu tư lúc này đơn giản chỉ là: hóng hớt, nghe hơi nồi chõ, tìm lời mách nước, phím hàng và theo đuôi tất cả những ai được xưng tụng là “cao thủ”.



Rất nhanh sau đó, như là một sự tất yếu, chúng ta sẽ nhanh chóng học được bài học cơ bản về cuộc sống - "không có bữa ăn nào là miễn phí, cũng chẳng có thành công lâu dài nào mà không phải trả giá". Chẳng có cái gọi là easy money, càng không có cái gọi là fast money. Mà sự thực là:

- Càng kiếm ra nhiều tiền mà không hiểu tại sao mình kiếm được thì sẽ càng nhanh chóng mất hơn nhiều lần mà chẳng hiểu vì sao mình lại mất.

- Không bao giờ có cái gọi là làm giàu nhanh, kể cả trong đầu tư. Nếu bạn tin vào điều đó thì khả năng cao là người sẽ giàu nhanh là người đang bán giấc mơ đó cho bạn chứ không phải là bạn. (viết ra câu này tự nhiên tôi nhớ đến mấy bài báo PR cho đại gia Tuyên Quang Vũ Hữu Lợi, nó đối nghịch với mấy bài báo khác miêu tả nơi ăn chốn ở kiểu “bầy đàn” của các nhân viên bán hàng đa cấp)

Một số đau đớn rút ra được bài học này và nhanh chóng bước lên bậc thang số 2, phần còn lại lớn hơn nhiều do phải trả một cái giá quá đắt về tài chính hay tinh thần đến mức không bao giờ có thể hồi phục được nữa đành chấp nhận bỏ cuộc chơi .…ST

Rời nấc thang đầu tiên, nhà đầu tư hăm hở trèo lên bậc thang số 2. Nhưng họ không biết rằng đó là một ngõ cụt,hay nói cụ thể hơn, nó là một cái bẫy.

Chào mửng bạn đến với thế giới của “HOW”

Giai đoạn 2 : HOW

Bỏ lại sau lưng ước mơ về những bữa ăn trưa miễn phí, nhà đầu tư nghiệm ra một điều rằng để thành công thì phải học hỏi từ những người thành công, phải xem xem họ làm như thế nào và chỉ cần bắt chước họ thì sớm muộn thành công sẽ đến. Còn gì hợp lý hơn thế nữa.




Bừng tỉnh trước sự “giác ngộ” này, nhà đầu tư lao vào nghiên cứu, hăng hái đi tìm các “bí quyết” đầu tư cho riêng mình. Chỉ cần tìm được chiếc chìa khóa, cả kho vàng sẽ là của ta. Thị trường ơi hãy nằm yên ở đó, một ngày kia tu luyện thành tài, Phố Wall sẽ phải phủ phục dưới chân ta!! (ở Việt Nam có lẽ nên đổi là phố Nguyễn Công Trứ)

Rất nhanh, chúng ta khám phá ra rằng có vô số cái gọi là “bí kíp” trong thế giới đầu tư ngoài kia. Mỗi bậc thầy có một bí kíp, mỗi quyển sách lại tiết lộ một “bí mật” khác (vô số quyển có chữ Secret trong tựa đề). Và lạ hơn là gần như bất kỳ nhà đầu tư cá nhân hay một “chuyên gia” bất kỳ nào đều cam đoan mình đang nắm trong tay một “bí kíp” có thể làm giàu nhanh chóng hay tối thiểu cũng tốt hơn hẳn so với đa số những nhà đầu tư được xem là “bầy đàn” khác.

Choáng hơn nữa, chỉ cần search trên mạng ta sẽ thấy vô số “chuyên gia” hàng ngày ra rả sẵn sàng dạy lại cho chúng ta các “bí kíp” đào vàng từ thị trường của họ với một chi phí rất khiêm tốn nếu so với cái tiềm năng vô hạn mà họ hứa hẹn. Mà chưa hết đâu, còn hàng ngàn các đoạn code được viết cho các phần mềm amibroker, metastock... được quảng cáo là có thể dự báo được các chuyển động của từng đợt sóng trên thị trường, giúp nhà đầu tư tha hồ kiếm tiền chỉ bằng vài cái click chuột… và đa phần đều được tặng free trên mạng !!!

Háo hức lao vào cuộc chơi săn lùng chén thánh, chúng ta bỏ vô số thời gian tìm kiếm bí quyết từ sách vở, báo chí, thậm chí trả tiền để học từ vài vị được xưng tụng là “chuyên gia” (nhưng hầu như không hề thực sự lăn lộn kiếm tiền từ thị trường) để rồi cũng rất nhanh chóng bị vỡ mộng. Hình như chẳng có phương pháp nào là hiệu quả cả. Tất cả thường rơi vào mẫu số chung: đúng một số lần sau đó sai nhiều lần liên tiếp, hiệu quả trong một giai đoạn rồi sau đó thị trường thay đổi tính hiệu quả cũng đội nón ra đi. Có một số thứ có vẻ hiệu quả trước mắt nhưng trong dài hạn nó chỉ quanh quẩn ở mức trung bình(nghĩa là tầm thường), còn lại đại đa số đều là vớ vẩn và nhảm nhí.

Cảm giác hào hứng mỗi khi tưởng chừng như đã chạm được một tay vào chiếc chìa khóa vàng giờ đây thay thế bằng sự chán nản và bất lực. Nếu may mắn, một ít trong số chúng ta một ngày kia thức giấc với sự bừng ngộ và tiếp tục trèo lên nấc thang tiếp theo để đi tới, phần lớn hơn thì vẫn cả đời quay cuồng trong việc đi tìm chén thánh với những phương pháp ngày càng phức tạp, thần bí và “nguy hiểm" hơn (đừng ngạc nhiên khi ở phương Tây còn xuất hiện cả môn chiêm tinh học tài chính, các lý thuyết đầu tư theo mùa, theo váy áo... và gần đây nhất là theo các cụm từ google search), một số sẽ bỏ cuộc và an phận với sự “tầm thường” của chính mình.

Trong giai đoạn HOW này, về cơ bản chúng ta sẽ đi qua 3 giai đoạn nhỏ

Giai đoạn số 1: Nhà sưu tập
Đây là giai đoạn chúng ta hăng hái tìm kiếm, sưu tập và tích lũy cho minh vô số lời khuyên từ các chuyên gia. Tất cả đều rất hay, rất hoành tráng nhưng vấn đề là chúng thường “chửi xéo” lẫn nhau và đặc tính chung là chẳng có cái nào thực sự hiệu quả cả.

Sau một thời gian tích cực sưu tập, nghiền ngẫm và luyện tập, khả năng rất cao chúng ta sẽ kết thúc trong trạng thái loạn chưởng.



Giai đoạn 2: Nhà sáng chế

Sau khi nghiền ngẫm chán chê các “bí kíp” của người khác, chúng ta quyết định bắt tay vào tự nghiên cứu để xây dựng hệ thống hay các nguyên tắc riêng cho mình. Chúng ta bắt đầu thực hiện việc học hỏi, bắt chước, cắt chụp, xào nấu và tự nêm nếm gia vị để cố gắng hoàn thành nồi lẩu của riêng mình. Chúng ta không ngừng điều chỉnh, nêm nếm lại gia vị, cải tiến món ăn cho ngày càng hoàn thiện hơn nhưng vấn đề là hình như nó chỉ hiệu quả khi back test hoặc trong từng giai đoạn ngắn, còn khi thực chiến thì vẫn không thể chiến thắng được thị trường.

Bất chấp mọi nỗ lực và thời gian bỏ ra, cái “công thức màu nhiệm” vẫn ngày càng xa vời, còn túi tiền thì ngày càng vơi hơn vì phải trả giá cho sự kém hiệu quả của phương pháp. Mặc dù ta có thể rất rộng lượng để tha thứ cho bản thân trong quá trình “tự hoàn thiện” này nhưng vấn đề là thị trường sẽ không bao giờ tha thứ cho các sai lầm.



Cuối cùng, sau vô số nỗ lực mà thành công như vẫn mãi chơi trò trốn tìm, chúng ta sẽ phải buộc lòng thừa nhận về mặt tâm lý sự bỏ cuộc của mình. Một số chấp nhận thực tế và an phận với sự “trung bình”, số còn lại chọn con đường “khác biệt”, hiên ngang bước sang giai đoạn sau.

Giai đoạn 3: Các chuyên gia

Có một sự ngạc nhiên rất lớn trong tâm lý con người ở đây. Bất chấp sự thất bại ở giai đoạn 2, một số cá nhân vẫn tràn đầy sự tự tin để bước sang giai đoạn 3: trở thành các “chuyên gia”.

Vấn đề ở đây là họ chỉ là các chuyên gia giả danh. Tỷ lệ các chuyên gia giả danh này có lẽ chiếm hơn 90% trong đội ngũ “chuyên gia” và họ hàng ngày chính là những người chém gió hăng hái nhất, cho lời khuyên hào phóng nhất, và đặc biệt tích cực nhất trong việc ném đá bất cứ ai trái quan điểm với mình.

Đây cũng chính là lực lượng chiếm con số chủ lực và hoạt động hăng hái nhất trên các diễn đàn. Trông họ gần giống thế này, cực kỳ nguy hiểm và luôn có gẵn gạch đá trên tay (just for fun)



Một số “chuyên gia” còn tự tin hơn: họ mở các lớp học về đầu tư, bán các sản phẩm tư vấn và lời khuyên.

Không phải tất cả các chuyên gia đều là giả danh nhưng con số giả danh chiếm tỷ lệ rất lớn và không ở đâu số lượng chuyên gia lại nhiều như trong các ngành đầu tư(chứng khoán, bất động sản, hàng hóa...).

Tại sao theo đuổi cách tiếp cận “HOW” lại là ngõ cụt?
Có lẽ theo dõi đến đây sẽ có rất nhiều người thắc mắc hay thậm chí không đồng ý với quan điểm của tôi trong việc đánh giá tính không hiệu quả của cách tiếp cận “How” này. Chẳng phải cách hay nhất để thành công là bắt chước những người thành công hay sao? Chẳng phải mỗi người thành công đều tự đúc rút ra cho mình những phương pháp và quy tắc đó sao?

Để trả lời câu hỏi này chúng ta hãy thử tượng tượng một chút nhé.

Hãy tượng tượng bạn đăng ký đi học một lớp nấu ăn với mong muốn sẽ trở thành một đầu bếp trứ danh.

Bước vào buổi học, thầy giáo vào lớp và bắt đầu yêu cầu mọi người mở tập ra ghi chép cẩn thận các bước để nấu món lẩu thập cẩm. Đầu tiên là ghi chép thật cẩn thận các nguyên liệu, số lượng từng món... Sau đó là các bước chế biến từ rửa sạch, sơ chế, thứ tự cho vào nồi nấu…

Sau một tháng học thật kỹ lưỡng và chăm chì, chúng ta đạt được điều gi? Chúng ta có thể nấu được món lẩu thập cẩm theo đúng nguyên mẫu.

Rất tốt. Nhưng quan trọng là với cách học đó thì chúng ta chỉ có thể may mắn lắm thì trở thành thợ nấu bếp, tuyệt đối không thể trở thành một đầu bếp giỏi được. Với cách học đó không bao giờ chúng ta có thể thực sự làm chủ khu vực bếp, làm chủ các món ăn và sáng tạo món ăn mới cả (đáng buồn là ở nước ta đa phần đều học theo cách này).

Các công thức thành công được liệt kê sẵn bản chất nó cũng giống như các công thức nấu ăn cung cấp sẵn trên mạng vậy, nó không hoàn toàn sai nhưng không cón hiệu quả và chúng ta vẫn cứ là những tay đầu bếp dở tệ.

(Và hãy nhớ lại phân tích bên trên nhé, 90% các chuyên gia cung cấp công thức này đều là những kẻ giả danh, còn các bậc thầy thực sự thì đa phần ít nói và ít khi giải thích rõ những gì họ nghĩ)

Theo đuổi câu hỏi “How” thực chất cũng giống thế: bản chất của nó là sự mô phỏng. Đặc tính của sự mô phỏng là sự cố chấp một cách đầy thiên kiến. Chúng ta cố gắng thiết lập ra một hình mẫu có thể lặp đi lặp lại trong tương lai. Điều này là sai lầm bởi vì nó vi phạm các nguyên tắc của một chiến lược hiệu quả.

Chiến lược hiệu quả là sự kết hợp tối ưu của 2 yếu tố: đặc điểm bản thân (điểm mạnh/điểm yếu) và hoàn cảnh thực tế bên ngoài. Trong khi cả hai yếu tố nảy đều thay đổi và vận động liên tục, cách tiếp cận “How” lại bỏ qua các yếu tố này để theo đuổi một sự cố chấp, cứng nhắc. Chiến lược hiệu quả sẽ liên tục thay đổi tùy theo điều kiện thực tế, còn giải pháp “How” lại là độc đoán, cứng nhắc theo kiểu “luôn luôn đúng, mọi lúc mọi nơi”.

Tuy không hiệu quả nhưng nó lại là một cái bẫy vì nó không có điểm dừng, nó được nuôi dưỡng bằng lòng tin về một chiếc “chìa khóa vàng” đang nằm đâu đó, chỉ cần ta cố gắng tìm sẽ thấy. Nhưng thực chất nó cũng tương tự như những pháp sư ở châu Âu đã bỏ ra nhiều thế kỷ để đi tìm công thức bí mật biến chì thành vàng. Đó chỉ là một giấc mơ.

Nếu như ở giai đoạn “What” chúng ta chấp nhận sự không biết của mình, thì ở giai đoạn “How” ngược lại chúng ta thường rơi vào sự ảo giác đối với khả năng thực sự của bản thân, trở nên quá tự tin, thậm chí tự mãn. Đó là cách viết khác của công thức tạo nên tai họa trong đầu tư. Mười hai năm trước đây khi tôi bắt đầu bước vào làm kinh doanh, môi trường lúc đó rất khác. Sự cạnh tranh thấp hơn bây giờ, mọi người rất đề cao sự tiết kiệm và căn cơ. Lúc đó khi bước ra kinh doanh, bạn chỉ có một lựa chọn duy nhất: phải có mặt bằng và mở một cửa hàng. Vào đầu những năm 2000, bạn chỉ cần 100 triệu để mở một cửa hàng nhỏ và đa số các cửa hàng chỉ có vốn đầu tư trong khoảng 50-500 triệu. Ngày nay, môi trường đã khác hoàn toàn. Hoặc là bạn phải có vài tỷ mới mở được một cửa hàng, hoặc là bạn hầu như chẳng cần vốn nếu mở một cửa hàng trên mạng. Cái trung bình đã bị phân hóa thành 2 cực. Một chiến lược kinh doanh hiệu quả 10 năm trước tôi không tin vẫn sẽ có hiệu quả ngày nay. Sự thay đổi này đang diễn ra và ngày càng nhanh hơn

Liệu chúng ta có tin rằng tài liệu “10 bí quyết mở cửa hàng thành công” đã từng có hiệu quả vào những năm 90 vẫn sẽ còn giá trị như vậy vào hôm nay hay không?


Cho nên, cái sai lầm của cách tiếp cận How chính là áp đặt một cái cố định vào một cái luôn vận động và tiến hóa. Chính bản thân Buffett cũng phải nhiều lần điều chỉnh chiến lược đầu tư của mình kia mà.

Về bản chất,nếu “What” là giấc mơ về “bữa ăn trưa miễn phí” thì “How” phản ánh ước mơ “công việc nhẹ lương cao”. Chẳng phải chúng ta đang muốn xây dựng bí quyết một lần để thu lợi mãi mãi đó sao?

Đừng ngạc nhiên nếu giấc mơ “How” vẫn sẽ là khao khát của các nhà đầu tư, bây giờ và mãi mãi về sau, bởi vì suy cho cùng ước mơ “làm ít hưởng nhiều” chính là đặc tính của loài người. Nó chính là bản chất của con người.

Vậy, nếu ‘How” là ngã rẽ vào ngõ cụt, liệu có còn cách tiếp cận nào khác tốt hơn hay không?

Nếu như Giai đoạn 2 - HOW là sự phát triển logic của Giai đoạn 1 - WHAT thì giai đoạn (3) lại là một hướng đi hoàn toàn khác. Nó xảy đến thường là do một sự giác ngộ tình cờ, khi nhà đầu tư thừa nhận sự thất bại của mình trên con đường đi tìm một “bí quyết” kỳ diệu để chinh phục thị trường.

Quyết định từ bỏ, chấp nhận đầu hàng trước sức mạnh siêu nhiên của thị trường, chính tại thời điểm này, nhà đầu tư hiểu ra rằng đầu tư không phải là một trò đánh bạc. Nó cần phải được xây dựng trên cơ sở của các nguyên lý khoa học, chặt chẽ và logic.

Đó là một thế giới của khoa học và những suy luận hợp lý.

Chào mừng bạn đến với thế giới thế giới của WHY

Giai đoạn 3 : WHY


Tái khám phá đầu tư
Đây là lúc nhà đầu tư bắt đầu quay lại và đào sâu xuống gốc rễ của vấn đề với một câu hỏi đơn giản: "Tại sao mọi việc lại xảy ra như vậy?" Đó là lúc chúng ta bắt đầu đối mặt với những khái niệm thật cơ bản: "Thị trường là gi?", "Đầu tư là gi?", "Cấu tạo, bản chất, các động lực, các nguyên lý vận động... của thị trường là gi?".

Chúng ta thực sự bừng tỉnh khi hiểu ra rằng hóa ra lâu nay tất cả những gì mình làm là sai lầm, thất bại là không thể tránh khỏi khi tất cả những gì mình làm đều chống lại các nguyên lý cơ bản của thị trường. Một định hướng sai thì không bao giờ có thể đem lại kết quả đúng trong dài hạn cả (trong ngắn hạn thì rất thường khi yếu tố may mắn sẽ che mờ vấn đề).

Đó là lúc chúng ta tái khám phá hai chữ tưởng chừng như đơn giản: “Đầu tư”.

Trả lời được câu hỏi “Why?” chúng ta cũng sẽ thấu hiểu như một lẽ đương nhiên : "Phải làm gì để chiến thắng thị trường?" Tại sao lại là WHY?
Tại sao nắm bắt nguyên lý lại quan trọng như vậy?

Rất đơn giản, hãy liên tưởng một chút vào cuộc sống nhé.

Chúng ta hãy quay lại với lớp học nấu ăn trong bài (2) để hình dung tiếp. Bây giờ, nếu thay vì hướng dẫn chúng ta thực hiện từng bước theo đúng nguyên mẫu, người thầy bắt đầu giảng về các vấn đề có tính nguyên lý khoa học như:

- Các phương pháp nấu cơ bản - Tác dụng của nhiệt năng lên các loại thức ăn - Nguyên lý kết hợp của các loại mùi, các loại vị - Cấu tạo hóa học và cách thưc phản ứng của các chất hữu cơ dưới tác dụng của nhiệt, của hóa chất. - Khoa học về dinh dưỡng cơ thể - Khoa học về các giác quan trong ẩm thực của con người - Lịch sử các loại món ăn và thói quen ăn uống các dân tộc trên thế giới

………….

Kết quả là gi?

Chúng ta sẽ có được sự thấu hiểu sâu sắc về ẩm thực, hoàn toàn biết cách làm chủ các nguyên liệu, gia vị và ngọn lửa.

Chúng ta có thể tùy ý gia giảm cho phù hợp khẩu vị. Không những thế ta còn có thể chế ra những món ăn mới, tìm ra những công thức mới, phát minh ra những cách thức chế biến mới.

Sự thành thạo chỉ còn là vấn đề thời gian. Và chinh khả năng sáng tạo tự do đó sẽ nâng tầm chúng ta lên trên những “thợ nấu” khác. Đó là cách thức rèn luyện nên những đầu bếp thực sự.



Rõ ràng một khi nắm được các nguyên lý, hiểu được tại sao mọi việc lại diễn ra như thế này mà không phải thế kia, chúng ta sẽ biết cách phải làm gì tốt nhất trong từng hoàn cảnh cụ thể, sẽ thực sự làm chủ đối với lĩnh vực của mình. Sự tiến hóa của tri thức
Tri thức của loài người được xây dựng trên nền tảng của câu hỏi WHY. Không bao giờ là WHAT hay HOW
Ngành y học trong suốt hàng ngàn năm dài của lịch sử loài người đã được xây dựng trên nền tảng của "tôi không hiểu tại sao nó lại có tác dụng" (đến nay vẫn còn thịnh hành trong các phương pháp chữa bệnh dân gian). Thế rồi đột nhiên từ đầu thế kỷ 20, sự bùng nổ của các bộ môn di truyền học, giải phẫu học và đặc biệt là sinh học phân tử đã chấm dứt thời kỳ “mô phỏng” - loài người chúng ta bắt đầu hiểu được cơ chế gây bệnh, cơ chế chữa bệnh và cấu tạo sinh học của cơ thể người. Điều này mở đường cho sự bùng nổ của vô số phát minh khoa học trong y khoa và đến nay chúng ta có gi? Chúng ta đang mơ về sự bất tử.


Toàn bộ cuộc cách mạng diễn ra rất nhanh, tất cả bắt đầu từ câu hỏi “WHY”

Clayton Christensen, nhà tư tưởng hàng đầu về sáng tạo, đã đưa ra một sự phân biệt đơn giản giữa khoa học và “ngụy khoa học”: khoa học xây dựng trên cơ sở các lý luận nhân quả chặt chẽ, còn ngụy khoa học xây dựng trên cơ sở các quan sát về sự tương quan.

Một ví dụ dễ hiểu nhất về ngụy khoa học chính là các khóa huấn luyện về “nghệ thuật thành công”, một dạng “HOW” điển hình. Các tác giả của các chương trình huấn luyện này thưởng đa phần tự rút ra bí quyết bằng cách quan sát, phỏng vấn những người đã thành công, sau đó rút ra các đặc điểm tương quan chung rồi biến nó thành các “bí quyết”. Chương trình của họ thường có dạng: ”8 nguyên tắc để..X”, ”10 bước để ..Y”, ”12 bí quyết để Z..”

Kết quả thế nào?

Học trò của họ đa phần cảm thấy rất hào hứng sau mỗi khóa học nhưng kết quả thì chẳng đi đến đâu, còn sự hứng khởi sau khóa học cũng sẽ nhanh chóng trở lại điểm zero bởi vì cái mà họ thực sự bán không phải là một khoa học chặt chẽ, nó chỉ là các quan sát tương quan dựa trên cảm nhận chủ quan đi kèm với các thủ thuật khích lệ tinh thần tạm thời mà thôi.


Một môn khoa học thực sự phải dựa trên cơ sở các lý luận nhân quả chặt chẽ, nó phải giải thích được điều gì gây ra điều gì, tại sao mọi việc lại diễn ra như vậy và quan trọng nhất nó có thể được vân dụng để đưa ra các dự báo tương lai.
Khoa học luôn đòi hỏi phải được xây dựng trên cơ sở của việc giải thích các nguyên nhân . WHY ?


Khoa học phương Tây đặt cơ sở trên triết học Plato. Đó là quan niệm triết học coi trọng tư duy nhân quả. Do đó không có gì ngạc nhiên khi khoa học phương Tây rất nhấn mạnh đến việc đi tìm nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, các nguyên lý và các mô hình để giải thích sự vận động. Đó cũng là nội dung của WHY.

Nền tảng đó giúp khoa học Phương Tây phát triển rất nhanh vì người sau tiếp thu câu trả lời “WHY” của người đi trước, đánh giá nó, soi mói nó, phản biện nó và tiếp tục phát triển nó lên mức độ sâu sắc hơn. Học trò có thể tiếp thu hết hiểu biết của thầy và tiếp tục đào sâu hơn nữa.

Nói theo cách cùa Newton là : "Tôi nhìn xa hơn vì tôi đứng trên vai của người khổng lồ”


Khoa học Phương Đông, đáng buồn thay, lại đi vào con đường của HOW. Nó tập trung vào việc mô tả, đi tìm cách giải quyết HOW cho vấn đề trước mắt thay vì đào sâu xuống nguyên nhân gốc rễ. Kết quả là chúng ta có một nền khoa học èo uột, người đi sau tiếp thu một cách máy móc cách làm của người đi trước mà không cần biết tại sao (nhiều khi còn chẳng dám đặt câu hỏi). Trò luôn luôn kém hơn thầy, chỉ cắm cúi làm cái mà thầy dạy làm chứ không cần thắc mắc nhiều. Mọi cái dần trở nên trì trệ, bảo thủ, tụt hậu. Còn những bậc "danh sư" thì vẫn muôn đời là những tượng đài mà học trò đời sau không bao giờ vượt qua nổi.

Sau hơn 2000 năm, người Trung Quốc lại quay về tìm kiếm sự “minh triết” trong triết học Khổng Giáo !



Có gì phải ngạc nhiên khi 3 phát minh quan trọng của thế giới là la bàn, giấy và thuốc súng đều là sản phẩm của Trung Quốc nhưng người phương Tây mới là những người sử dụng những phát minh đó để xỉ nhục Trung Quốc?

Những hệ quả ?
Có quá nhiều thứ phải học, quá nhiều kiến thức phải nắm bắt.

Đi trên con đường WHY, chúng ta sẽ phải học và làm việc vất vả hơn, với thời gian lâu hơn nhiều so với các “thợ nấu” thông thường.

Đó cũng là một trong các lý do vì sao WHY là con đường ít người đi đến vậy.

Chúng ta, trong tư cách là những nhà đầu tư, có 1 tin vui và 1 tin buồn:

- Tin vui: các nguyên lý đầu tư không quá khó hiểu, thực ra nó khá đơn giản là khác. Và ai cũng có thể nắm bắt được mà không gặp quá nhiều khó khăn.

- Tin buồn: tuy không khó hiểu nhưng để vận dụng được các nguyên lý này vào đầu tư thực tế thì lại không đơn giản. Nó đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, nỗ lực để nghiên cứu đối với từng trường hợp cụ thể. Do giới hạn về thời gian, sức khỏe và nhất là ưu tiên trong cuộc sống, đây không phải là công việc ai cũng thích hợp để làm.

Tương tư như toán học, bạn chỉ cần học vài định lý là có thể nắm được nội dung nhưng để vận dụng các định lý đó vào giải một giải bài toán cụ thể lại cần nhiều nỗ lực và thời gian. Cái khó không phải là nắm được nguyên lý mà là hiểu được bối cảnh của bài toán để đưa ra cách giải phù hợp. Cái này đòi hỏi nhiều ở sự hiểu biết, suy nghĩ kỹ lưỡng và sự tích lũy dần kinh nghiệm qua thời gian Hệ quả là:

- Không phải ai cũng có thể trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, nó đòi hỏi nhiều kiến thức và sự lao động cật lực thực sự. Đừng ngạc nhiên nếu bạn cảm thấy choáng khi biết khối lượng tài liệu mà môt nhả đầu tư chuyên nghiệp phải đọc trong một năm.

- Tương tự như trong tất cả mọi lĩnh vực khác, trong đầu tư lợi thế sẽ nghiêng về những ai làm việc thực sự nghiêm túc để tích lũy dần kiến thức và sự thành thạo qua thời gian. Không có vấn đề công việc nhẹ lương cao ở dây. Đừng hy vọng có một con đường tắt trong đầu tư.

- Không có đam mê, bạn sẽ không thể đi hết được con đường gian khổ này. Một khi bước chân vào con đường WHY, chúng ta nên biết rằng đó là con đường không có điểm kết thúc. Khác với HOW, điểm kết thúc mà chúng ta háo hức chờ đợi là một “bí kíp”cụ thể ở cuối con đường để giúp ta chiến thắng thị trường, thì với WHY, điểm kết thúc là nằm ở vô tận. Mỗi cơ hội là một bài học mới và mỗi ngày trôi qua sự vận động của cuộc sống lại đem đến bao nhiêu điều mới lạ cần phải học hỏi. Nhưng có sao, nếu thực sự có đam mê, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc không phải ở đích đến, mà nó nằm ở ngay trên cuộc hành trình.

- Nếu giới hạn của thời gian và nhất là các ưu tiên cuộc sống không cho phép bạn đi theo con đường đầu tư chuyên nghiệp thì bạn vẫn có thể hưởng lợi ích của đầu tư bằng cách theo đuổi một chiến lược đa dạng hóa đơn giản(điều này đã được Ben Graham giải thích cặn kẽ và có thể được thực hiện khá dễ dàng, nhưng để trình bày về nó thì có lẽ cần một bài viết khác). Điều quan trọng là đừng cố đi theo con đường của WHAT và HOW. Hãy luôn nhớ rằng sẽ chẳng bao giờ có cái gọi là “bữa ăn trưa miễn phí” hay “công việc nhẹ lương cao” trên cuộc đời này đâu.


Kết luận sau cùng
Đầu tư, bản chất của nó là một môn khoa học. Nó không phải là trò chơi đánh bạc, càng không bao giờ là những “bí thuật” huyền bí. Tri thức về đầu tư là tri thức về các nguyên lý khoa học chi phối sự vận động của thị trường.

Nắm bắt được tri thức,chúng ta sẽ có sự tự do:

- Tự do thoát khỏi những biến động thất thường của thị trường (khi bạn biết rằng các nguyên lý đang đứng về phía minh).

- Tự do thoát khỏi sự dằn vặt của lòng tham, nỗi sợ hãi và sự hoài nghi của bản thân. - Tự do thoát khỏi mọi lời xúi bẩy hay rao vặt của vô số các chuyên gia giả danh.

- Tự do thoát khỏi những cơn điên của đám đông và những thôi thúc của cảm xúc để tự hủy hoại túi tiền của chính mình.

-Tự do thoát khỏi những cạm bẫy ngọt ngào của thị trường và hướng đến những thành công bền vững trong dài hạn.

- Tự do vì đơn giản ta biết rằng điều mình làm là đúng đắn.


Tự do. Đó chẳng phải là điều chúng ta luôn khao khát hay sao?

NGUỒN: http://vfpress.vn/

Facebook Google twitter
Từ khóa:
Cùng Chuyên Mục
Blogger Comments
Facebook Comments

Tin Tức Online
Xem Thêm Tất Cả »
Góc Chia Sẻ
Xem Thêm Tất Cả »
Game - Ứng Dụng Hay Tháng 8
Xem Thêm Tất Cả »
Góc Thư Giản
Xem Thêm Tất Cả »
Bài Viết Ngẫu Nhiên
Copyright © 2016 - All Rights Reserved
Template by Bùi Đạt - Powered by Blogger | SiteMap