- Lúc: 10:14
1. Chọn nhãn hiệu
Nên chọn nhãn hiệu các hãng có uy tín như Daikin, Carrier, Hitachi, LG, Trane, General,…
2. Chọn chủng loại
Nên chọn các loại có kiểu dáng đẹp, màu sắc hài hòa với đồ vật trong phòng. Loại có cơ cấu lái gió thì nhiệt độ trong phòng đều hơn. Ngoài ra tùy theo khả năng kinh tế và sở thích, có thể chọn loại có điều khiển từ xa, loại có chức năng hút ẩm, loại có bộ khử mùi,…
3. Chọn năng suất
Nếu phòng làm việc bình thường hoặc tiếp khách ít, thì cứ 1 m2 phòng cần khoảng 800 Btu/h. Ví dụ: Phòng ngủ 2 – 3 người có diện tích 12 m2 thì nên lắp máy điều hòa năng suất 12 x 800 = 9600 Btu/h. Nếu phòng có các nguồn phát nhiệt như bàn là, bếp điện, bóng đèn sợi đốt,… thì ta phải tính thêm lượng nhiệt này bằng cách cộng tất cả lại rồi nhân với 860 và nhân gấp 4 lần thì được số Btu/h. Ví dụ: trong phòng ngủ nêu trên thường xuyên là quần áo bằng 1 bàn là 1kW thì lượng nhiệt sinh ra do bàn là bằng 1 x 860 x 4 = 3440 Btu/h, nghĩa là máy lạnh phải có năng suất lạnh bằng 9600 + 3440 = 13040 Btu/h (chọn máy 13000 Btu/h).
Chú ý: Có loại ghi năng suất lạnh bằng kcal/h, muốn đổi ra Btu/h thì nhân với 4,168.
4. Kiểm tra một số chỉ tiêu của máy
- Bóc hộp để xem xét hình thức, máy mới thì có mùi nhựa thơm đặc trưng rõ rệt (nếu máy cũ lau chùi, đánh bóng lại thì không có mùi này). Ngoài ra máy mới còn có các đặc trưng sau:
+ Nước sơn bóng đẹp, không bị trầy xước, úa màu.
+ Nhìn qua khe cánh tản nhiệt dàn nóng thấy ống vẫn trắng, đẹp và sạch.
+ Tháo mặt nạ (tấm chắn trước dàn lạnh) thấy dàn lạnh vẫn sạch tinh, lưới lọc bụi không có bụi bẩn.
+ Rút vỏ ra ngoài thì nhìn thấy ống đồng và lốc mới, bóng.
- Kiểm tra các núm điều chỉnh ở bảng điều khiển.
Tại bảng điều khiển thường có 3 núm điều chỉnh như sau:
+ Điều chỉnh đóng mở cửa gió.
+ Điều chỉnh rơ le nhiệt độ (bộ số)
+ Đặt các chế độ làm việc
Cách kiểm tra
- Núm đóng mở cửa gió vặn nhẹ nhàng, cửa gió đóng mở tốt.
- Núm đóng mở rơ le nhiệt vặn nhẹ, khi xoay nge được tiếng đóng mở của tiếp điểm.
- Núm đặt chế độ làm việc cũng xoay nhẹ, dứt khoát, không mắc kẹt, lỏng lẻo.
a) Kiểm tra hiện tượng rò điện ra vỏ
Để máy lên bàn rồi cắm lần lượt 2 chân phích cắm của máy vào cực nóng ổ cắm. Sau đó dùng bút thử điện chọc vào vỏ kim loại, nếu bút đỏ rực, chạm tay vào thấy giật là không tốt. Nếu bút đỏ mờ, chạm tay vào vỏ không thấy giật và bút điện tắt là do cảm ứng âm, máy vẫn dùng tốt.
b) Kiểm tra quạt gió
- Vặn núm rơ le nhiệt độ sang trái hết cỡ
- Vặn núm chế độ làm việc vào nấc quạt yếu (Low Fan), quạt chạy yếu.
- Vặn núm chế độ vào nấc quạt mạnh (High Fan); quạt chạy mạnh hơn rõ rệt.
- Vặn tiếp sang nấc lạnh yếu (Low Cool); Quạt chạy yếu.
- Vặn sang nấc lạnh khỏe (High Cool); Quạt chạy khỏe.
Nếu được như vậy là quạt tốt, công tắc tốt. Tiếp tục xoay hết cỡ về nấc bên trái (về nấc tắt: OFF).
Chú ý: Nếu quạt có 3 tốc độ thì thử cả 3 tốc độ.
c) Kiểm tra kết hợp sức khởi động của lốc và bộ công tắc đặt chế độ làm việc và công tắc rơ le nhiệt độ (Nguồn điện phải tốt).
- Đặt công tắc chế độ làm việc vào nấc lạnh ít (Low Cool).
- Vặn núm rơ le nhiệt độ từ từ sang phải (theo chiều kim đồng hồ) đến số nào đó sẽ nghe tiếng “tách” và lốc quay. Yêu cầu lốc phải chạy ngay, dứt khoát, không chập chờn, rung lắc mạnh. Sau một phút lại xoay núm rơ le nhiệt độ ngược chiều kim đồng hồ cho máy tắt đi (Quạt vẫn chạy bình thường).
- Đợi 3 phút sau cho lốc chạy lại như trên rồi lại tắt. Cứ làm như vậy 4 – 5 lần. Nếu lần nào máy cũng khởi động được là tốt (chỉ cần 1 lần lốc không khởi động được mà không rõ nguyên nhân thì không nên mua máy đó).
d) Kiểm tra độ lành, độ ồn, rung
Cho máy chạy như trên liên tục 5 – 10 phút. Nếu máy tốt thì phía dàn nóng sẽ có hơi nóng thổi ra mạnh. Tiếng lốc và quạt chạy đều, êm, không rung, lắc, không có tiếng va chạm bên trong. Phía dàn lạnh có hơi lạnh thổi ra mạnh, thì kết luận là máy tốt.
Chú ý:
- Nếu máy có cả chiều nóng (máy 2 chiều) thì phải thử cả chiều nóng. Lúc thử phía dàn lạnh phải có gió nóng thổi ra mạnh.
- Nếu máy có bộ điều khiển từ xa thì phải dùng bộ điều khiển để thử đủ các chức năng như trên.
e) Kiểm tra lí lịch, phụ kiện
Máy mới phải có lí lịch mới của chính nó. Phụ kiện thường là joăng mút (hay nhựa mềm) để chèn kín khi lắp, phễu thoát nước phía sau gầm máy, ổ cắm phù hợp với phích cắm của máy (nếu ổ cắm không có thì nên mua loại ổ cắm phù hợp với phích cắm của máy chịu được dòng điện trên 20A.
Chúc các bạn thành công !
Theo Tạp chí KH&CNN *5/99
0 nhận xét