- Chiến dịch giải cứu heo chỉ mới dừng lại ở việc tiêu thụ và tác động để các thương lái không có lý do ép giá người nuôi và người tiêu dùng để hưởng lợi, chứ chưa giúp người dân có lãi.
Người nuôi heo vẫn đang lao đao
Đã 2 tháng kể từ đợt “giải cứu” heo đầu tiên được phát động, giá heo hơi đã nhích lên rất ít trong thời gian ngắn rồi lại tụt xuống. Người chăn nuôi heo vẫn đang lao đao và chưa thoát khỏi cảnh bế tắc do giá heo không thể hồi phục.
Tại Đồng Nai, nơi được xem là thủ phủ chăn nuôi heo lớn nhất cả nước, những ngày gần đây, giá heo hơi trên thị trường không những không thể vực dậy mốc 30.000 đồng/kg như kỳ vọng, trái lại đang có xu hướng giảm thêm. Giá heo hơi vẫn ở mức giá thấp, giao động từ 23.000-25.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi lỗ 1,5-2 triệu đồng mỗi con heo.
Đáng chú ý, do giá heo quá rẻ nên trên địa bàn TP.HCM, thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), Đồng Nai xuất hiện những điểm bán thịt heo tự giết mổ với giá từ 45.000-65.000 đồng/kg. Theo những người bán, do các thương lái mua heo hơi với giá quá thấp nên họ đành tự mổ heo và bán cho khách hàng tại một số tuyến đường nhằm “vớt vát” chút vốn.
Giá heo hơi vẫn ở mức thấp nên kéo theo giá heo giống cũng “tụt dốc không phanh”. Giống heo siêu nạc ở nhiều nơi chỉ ở mức 200.000 -350.000 đồng/con và tiêu thụ rất chậm. Dù heo giống quá rẻ nhiều trang trại vẫn không thể bán được, buộc các chủ trại sản xuất heo giống phải tiếp tục nuôi thành heo thịt.
Tại tỉnh này, các trang trại có lượng heo nái trên 50 con đều giảm 60-70% lượng đàn, trang trại có số heo nái trên 100 con thì giảm 20-30%. Trong khi đó, những trang trại nhỏ lẻ đều bán hết số heo trong chuồng, đóng trại vì không thể chịu nổi giá heo rẻ trong một thời gian dài. Bởi lẽ, những hộ dân có quy mô đàn dưới 50 heo nái và 500 heo thịt đã phá sản khoảng 70%, còn lại 30% vẫn tiếp tục bấm bụng chịu lỗ để cầm cự với hy vọng giá heo sẽ tăng trở lại.
Lượng heo tiêu thụ không tăng
Theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, chiến dịch giải cứu heo chỉ mới dừng lại ở việc tiêu thụ và tác động để các thương lái không có lý do ép giá người nuôi và người tiêu dùng để hưởng lợi, chứ chưa giúp người dân có lãi. Số lượng heo được giải cứu vẫn còn rất nhỏ so với số heo đến kỳ xuất chuồng.
Ông Đoán cho biết hiện tại, 12 điểm bán thịt heo bình ổn thị trường tại Đồng Nai vẫn hoạt động bình thường với mức giá bán từ 40.000-70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, lượng thịt heo tiêu thụ không tăng. Nguyên nhân là do thịt heo tại các chợ truyền thống ở TP.HCM đã hạ giá bán khá rẻ nên người tiêu dùng có thể mua ở nhiều điểm.
Chưa kể, sức tiêu thụ heo cũng đang có phần chững lại do thị trường Campuchia giờ chỉ mua 1.000-2.000 con heo mỗi ngày. Số lượng này thấp hơn nhiều so với những tuần trước. Tuy nhiên, heo thịt Đồng Nai xuất đi Campuchia trong 2 tháng nay đã lên đến 130.000 con.
Heo thịt xuất sang Campuchia chủ yếu là của các công ty nước ngoài có trang trại tự nuôi hoặc nuôi gia công ở Đồng Nai. Chất lượng heo tốt vì được nuôi theo quy trình khép kín chủ động từ con giống đến thức ăn, quá trình nuôi được kiểm soát tương đối nghiêm ngặt về an toàn dịch bệnh.
Trong khi đó, thị trường Trung Quốc vẫn chưa nhập lại heo từ Đồng Nai và các tỉnh khác, do đó lượng heo của địa phương này bán ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc chỉ hơn 1.000 con/ngày. Hiện tại, TP.HCM vẫn là thị trường tiêu thụ heo thịt nhiều nhất của tỉnh.
Theo Sở Công Thương Đồng Nai, hiện tỉnh vẫn còn khoảng 260.000 con heo thịt. Trong số này, lượng heo nuôi nhỏ lẻ trong dân chiếm 30%, tương đương 80.000 con, còn lại là nuôi theo hình thức trang trại. Các huyện có lượng lợn thịt tồn lớn nhất là Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Vĩnh Cửu và Long Thành.
Thế nhưng không riêng gì Đồng Nai, tại các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL, giá heo hơi cũng trong xu hướng giảm, hiện khoảng 24.000-26.000 đồng/kg đối với heo hơi đẹp thu mua tại trại; 16.000-19.000 đồng/kg đối với giá heo hơi loại trên 130kg. Tuy nhiên, lượng mua cũng không nhiều.
0 nhận xét